Người máy và các loại robot đóng vai trò ngày càng thiết yếu ở Nhật Bản, khi mà đất nước phù tang đang phải đối mặt với tình trạng dân số già hóa và lực lượng lao động thu nhỏ.
Người ta có thể thấy robot làm đủ mọi việc, từ phục vụ ở các cửa hàng và nhà băng cho tới chế tạo ra những cỗ máy phục vụ sản xuất. Nhưng liệu có phải cuộc cách mạng robot mà Thủ tướng Shinzo Abe tìm kiếm chỉ là một giấc mơ xa vời.
THAM VỌNG ĐẾN TỪNG “NGÕ NGÁCH”
Phát biểu khai trương Hội Đồng Sáng kiến Cách mạng Robot Nhật Bản hôm 15/5 vừa qua, ông Abe đã kêu gọi khối doanh nghiệp nước này “mở rộng ứng dụng công nghệ robot từ những nhà máy quy mô lớn đến mọi “ngõ ngách” của nền kinh tế và xã hội. Với sự ủng hộ của 200 công ty và trường đại học do Chủ tịch tập đoàn Mitsubishi Electric đứng đầu, hội đồng hướng đến việc ứng dụng công nghệ robot trong toàn ngành công nghiệp Nhật Bản, với mục tiêu tăng doanh thu từ 600 tỷ yen (4,9 tỷ USD)/năm lên 2.400 tỷ yen vào năm 2020.
Cô người máy lễ tân Aiko Chihira.
Theo hội Hội đồng Sáng kiến Cách mạng Robot Nhật Bản, công nghệ robot “sở hữu tiềm năng giải quyết các thách thức xã hội, như tình trạng thiếu hụt lao động, làm việc quá tải cũng như góp phần tăng năng suất ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất trong ngành công nghiệp chế tạo đến các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, xây dựng và bảo trì duy tu cơ sở hạ tầng.
Cuộc cách mạng công nghiệp Nhật Bản đang thể hiện dấu ấn ở những nơi như chuỗi cửa hàng bán lẻ Mitsukoshi ở trung tâm Tokyo. Tại đây, cô người máy Aiko Chihira do Toshiba chế tạo “nhập vai” một nhân viên lễ tân, đon đả chào đón khách hàng trong bộ đồ kimono truyền thống. Cũng tại Tokyo, ngân hàng Mitsubishi Tokyo UFJ mới đây đã cho ra mắt một người máy chuyên hỗ trợ các dịch vụ khách hàng cơ bản, trong khi chú robot hải cẩu bông PARO đã được sử dụng tại các viện dưỡng lão ở nước ngoài để “bầu bạn” với các bệnh nhân mất trí nhớ.
Chú robot hải cẩu bông PARO.
Ngoài những đặc điểm duyên dáng và đáng yêu đó, các công ty Nhật Bản từ lâu đã là những người đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực robot chế tạo, do những doanh nghiệp như Fanuc, Kawasaki Heavy Industries và Yaskawa Electric đi tiên phong. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), sứ xở hoa anh đào là nhà cung cấp robot công nghiệp hàng đầu thế giới, đạt doanh thu 340 tỷ yen năm 2012 và nắm giữ khoảng một nửa thị trường, cũng như tới 90% thị phần về chi tiết, linh kiện robot như bánh răng giảm tốc hay cảm biến lực.
Tuy nhiên, bất chấp vị thế dẫn đầu thị trường, Bộ Kinh tế Nhật Bản đã nêu bật nguy cơ rằng ngành công nghiệp robot nước này, cũng như những ngành công nghiệp nội địa khác, sẽ trở thành một “Galapagos” nữa nơi công nghệ chiến thắng còn kinh doanh thì thất bại. Galapagos được xem như là một hội chứng ở Nhật Bản. Giống như sự tiến hóa biệt lập mà nhà bác học Darwin ghi nhận chỉ duy nhất có trên quần đảo Galapagos (thuộc Ecuador ở Nam Thái Bình Dương), công nghệ ở Nhật Bản có xu hướng phát triển tách biệt với phần còn lại của thế giới bằng những tiêu chuẩn riêng và khó tương thích với tiêu chuẩn của nước ngoài. Điều này xảy ra trong hàng loạt lĩnh vực từ điện thoại di động, trò chơi điện tử cho tới xe hơi mini, máy nghe nhạc MiniDisc và nhiều thứ khác.
METI đồng thời lưu ý rằng ngành công nghiệp robot Nhật Bản đang đối mặt với nhiều thách thức ngày càng lớn trên thế giới, trong đó có “Sáng kiến robot quốc gia” trị giá nhiều triệu USD của Chính phủ Mỹ và những động thái của các “ông lớn” trong làng công nghệ như Google đầu tư vào xe hơi không người lái và những công nghệ khác. Châu Âu cũng đang gấp rút triển khai những nỗ lực để bắt kịp xu hướng thời đại khi khởi động dự án “EU SPARC” hồi năm 2014 nhằm thúc đẩy sự liên kết giữa các lĩnh vực công và tư.
Đặc biệt, mối đe dọa cạnh tranh lớn hơn có thể đến từ Trung Quốc. Theo METI, người láng giềng khổng lồ này đang sử dụng nhiều robot hơn Nhật Bản với khoảng 37.000 robot đang hoạt động tính đến năm 2013. Bắc Kinh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt doanh thu robot công nghiệp tại thị trường nội địa là 500 tỷ USD, tăng 10 lần so với mức hiện tại.
Một đối thủ đáng gờm khác ở châu Á là Hàn Quốc đã tăng gấp đôi doanh thu robot từ năm 2009 lên 2.100 tỷ won (1,8 tỷ USD) trong năm 2012, và đề ra mục tiêu đạt 7.000 tỷ won đến năm 2018. Robot Land, một công viên chủ đề về các loại người máy và robot do chính phủ tài trợ trị giá 660 triệu USD dự kiến sẽ khai trương trong năm 2016, trong khi Seoul cũng sẽ đầu tư 1.100 tỷ won để giúp thúc đẩy ngành công nghiệp robot của sứ xở kim chi. Hiện Hàn Quốc đang đứng thứ 4 trên thế giới về ứng dụng robot công nghiệp.
Theo Business Insider, hiện có 3 phân khúc chính của thị trường robot mới (ngoài robot công nghiệp) là nhóm robot dọn dẹp và bảo vệ nhà ở; nhóm robot ứng dụng công nghệ cao để giải trí, làm việc, liên lạc… và cuối cùng là nhóm robot chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ cho người già, trẻ em.
– ST –
Trả lời