Đi tàu điện không lo tắc đường, thời gian chính xác, không căng thẳng lái xe, nhưng đổi lại dễ gây ra những hệ lụy về mặt cảm xúc.
Tôi đã đi công tác Nhật nhiều lần, mỗi lần khoảng một tuần, di chuyển bằng ôtô là chính, một vài lần đi tàu điện nhưng là Shinkansen nên không vấn đề gì khó khăn. Đợt vừa rồi tôi đưa gia đình sang đó du lịch, và trải nghiệm toàn bộ chuyến đi bằng hệ thống tàu điện. Sau 7 ngày trải nghiệm, cộng với những thông tin từ bạn bè đang sinh sống tại Nhật, tôi có một số vấn đề rút ra về tàu điện ở đất nước này.
Được
Được rất nhiều. Đó là tàu điện ở đây rất đúng giờ, chỉ cần app Google Maps hoặc các app tra tàu của Nhật là có thể đi tới bất cứ đâu. Miễn là bạn phải cẩn thận quan sát và cả kinh nghiệm nữa để không lên nhầm tàu. Tôi dùng Google Maps, mỗi khi đi đâu, app hiện đủ các tuyến cần đi, ga nào xuống, lên, mấy giờ và tổng chi phí của chuyến đi cũng có luôn. Chi phí này có thể trả đơn giản bằng thẻ thông minh của Nhật (IC), như tôi cài Suica trên Apple Pay ở iPhone là xong. Khi nào hết tiền chỉ cần nạp lại trên điện thoại.
Đi tàu không sợ tắc đường, mưa gió. Mọi thứ được lập trình sẵn, cứ đúng giờ là lăn bánh. Tất nhiên thỉnh thoảng cũng có delay nhưng không nhiều, chấp nhận được.
Đi tàu điện bạn cũng không cần phải căng thẳng lo lái xe, có thể dành thời gian đó để đọc báo, giải trí hoặc đơn thuần là ngủ nếu có ghế để ngồi.
Đi tàu cũng gần như an toàn tuyệt đối, vì một mình một đường. Tôi cũng không phải lo chuyện móc túi hay cướp giật trên tàu như khi đi xe buýt ở Việt Nam. Trên tàu thì rất sạch sẽ, đủ tiện nghi, đến các ga đều có thông báo bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, những tàu phục vụ du khách nhiều còn có cả tiếng Hàn, tiếng Trung.
Tàu dù lúc vắng lúc đông, nhưng không bao giờ lo phải tranh nhau để lên tàu, vì mọi người đều xếp hàng trật tự hai bên cửa, nhường lối chính giữa cho người ở trong ra. Khi người bên trong ra hết, người bên ngoài mới lên tàu.
Hệ thống tàu ở Nhật thì rất chằng chịt, và luôn có rất nhiều lựa chọn nên gần như không phải chờ đợi quá lâu. Với người có kinh nghiệm, lỡ giờ tuyến này, có thể chuyển qua tuyến khác.
Mất
Đầu tiên đó là mất thời gian đi bộ. Nếu nhà, công ty ở gần ga, mọi thứ thật tuyệt vời. Nhưng nếu những nơi đó xa ga, bạn sẽ phải đi bộ nhiều. Với tôi đi bộ là rất tốt cho sức khỏe, nhưng dù sao chăng nữa nó cũng tốn thời gian, và đặc biệt vất vả cho chị em phụ nữ nếu phải đi giày cao gót. Có người sẽ nói người Nhật quen như vậy rồi, nhưng tôi nghĩ rằng họ phải quen, chứ cũng chẳng thích thú gì.
Tàu điện chỉ thuận tiện trong khoảng 5h sáng tới 12h đêm. Sau đó gần như hết tàu hoặc có thì rất ít. Chẳng may có việc gì gấp, phải ra đường thì thuê taxi rất đắt đỏ, tính ra khoảng 70.000 VND cho 1 km. Như bạn tôi ở xa trung tâm, nhà có ôtô riêng thì thuận tiện hơn rất nhiều.
Đi tàu nếu vào giờ cao điểm thì rất đông, phải đứng nhiều và nguy cơ lây lan vi khuẩn, virus cũng cao hơn phương tiện cá nhân.
Cuối cùng, cái “mất” lớn nhất với tôi, khi sử dụng tàu điện là dễ tạo ra các vấn đề về tâm lý. Mỗi ngày, bạn đi bộ xuống lòng đất, chui vào tàu điện chật hẹp, rồi lại đi bộ lên đường, chui vào văn phòng cũng chật hẹp, rồi tối về nhà cũng chật hẹp. Nhà ở Nhật thì đều nhỏ, dù nhiều công năng, cảm giác khá bí bách.
Khi ở trong không gian hẹp quá lâu, tôi nghĩ ít nhiều sẽ khiến tâm lý chúng ta không ổn định. Tầm mắt của chúng ta không được mở rộng ra bên ngoài, nhìn ngó, quan sát khung cảnh mỗi ngày. Bạn tôi làm việc gần ga Shibuya nói, mỗi ngày bước đến ngã tư đi bộ nổi tiếng ở đây, đều thấy mình và những người xung quanh cứ rầm rập đi như những “zombie”, đều đặn, nhịp chân nhanh, mặt hướng về trước, và không ai biểu lộ cảm xúc gì.
Giữa đường từ nhà đến cơ quan, nếu không lên lịch ghé một điểm nào đó, sẽ không biết được trên đường có những gì, vì đơn thuần chỉ toàn đi dưới lòng đất.
Đây là góc nhìn riêng của K – sei hàng ngày dùng tàu điện. Quan điểm của bạn về loại phương tiện này thế nào?
– ST –
Trả lời