Đặc điểm mái nhà truyền thống Nhật Bản
Mái nhà truyền thống Nhật Bản: Vẻ đẹp của ngôi nhà truyền thống Nhật Bản thể hiện rõ nét nhất ở mái nhà, với các đường cong được điêu khắc tỉ mỉ.
Khí hậu Nhật Bản thường mưa nhiều, vì thế mái nhà được thiết kế khá rộng để khi mưa lớn, nước mưa không bị hắt vào nhà. Mái nhà được làm dốc xuống phía dưới để nước mưa có thể thoát một cách dễ dàng. Vào mùa đông, tuyết theo mái dốc rơi xuống đất, không gây nặng nề cho căn nhà.
Trong những ngày nắng hay thời tiết khô ráo, người Nhật có thể mở phần mái che mưa được lắp đặt bên ngoài nhà giúp cuộc sống sinh hoạt của mọi người trong nhà được gần gũi hơn với thiên nhiên.
Trong kiến trúc Nhật Bản, kèo mái hiếm khi được sử dụng.
Vật liệu làm mái nhà truyền thống Nhật Bản
Mái nhà trong kiến trúc truyền thống được làm bằng các loại gỗ nặng, và trọng lượng mái sẽ giúp cố định cấu trúc.
Các loại vật liệu sử dụng làm mái nhà là tre, gỗ, ngói, kim loại và đá.
Các kiểu mái nhà truyền thống Nhật Bản
Kiến trúc Nhật Bản có 3 dạng mái nhà cơ bản là Kirizuma (mái nhà hình tháp), Yosemune (mái có đầu hồi ) và Irimoya.
- Mái nhà Kirizuma (Gassho-zukuri)
Phong cách kiến trúc Gassho-zukuri, có nghĩa là “chắp tay cầu nguyện”. Mái nhà theo phong cách này dốc xuống như hai cạnh của tam giác hoặc quyển sách lật úp, hai mái nhà đan vào nhau, phần chóp nhọn như đỉnh núi.
Mái nhà Kirizuma (Gassho-zukuri) mái nhà được lợp bằng cỏ tranh hoặc rơm với độ dày khoảng 50cm. Mái nhà có độ dốc giúp tuyết dễ dàng rơi xuống. Phần mái được thiết kế quay theo hướng đón ánh sáng để tuyết có thể tan nhanh chóng.
Mái nhà này có thể tận dụng không gian phía trên để sử dụng.
Nhà theo phong cách Gassho được xây dựng ở những vùng nhiều tuyết, các vùng nông thôn, xây dựng các đền thờ.
- Mái nhà Yosemune
Kiểu mái nhà Yosemune thường được những người nông dân Nhật Bản ưa chuộng. Mái nhà dốc xuống 4 bên, thường được xây trên những ngôi nhà hình chữ nhật ngang. Sườn dốc mái nhà tạo thành hình chữ nhật trên mặt dài của ngôi nhà và tạo thành hình tam giác trên mặt ngắn của ngôi nhà. Chiều dài mỗi cạnh nối từ chóp đến 4 góc ảnh hưởng đến độ dốc của các cạnh. Nếu góc được cắt đôi thành 2 góc 45 độ, được gọi là masumi. Nếu các góc bị chia cắt không đồng đều thì được gọi là furezumi.
Mái nhà Yosemune khi mái nhà được xây dựng trên những ngôi nhà hình vuông hoặc những ngôi nhà có độ sâu lớn hơn chiều dài, chiều dài của các cạnh mái phải được điều chỉnh sao cho góc được chia đôi thành 45 độ.
Đây là kiểu kiến trúc tiêu biểu của vùng nông thôn Ibaraki. Kiểu mái nhà này thường thấy trong các kiến trúc chùa hay đền thờ.
Mái nhà được lợp bằng rơm, tranh hoặc lợp ngói.
- Kiểu mái nhà Irimoya
Mái nhà Irimoya là sự kết hợp giữa mái nhà Kirizuma và Yosemune. Kiểu mái này có 2 tầng, tầng trên nhỏ, dốc ở 2 hướng trước sau, xây theo kiểu Kirizuma, phù hợp cho các khu vực có tuyết. Tầng dưới xây lớn hơn, dốc ở 4 hướng trước, sau, phải, trái, được xây theo phong cách Yosemune, tạo sự ổn định cho tòa nhà và phù hợp ở những nơi gió mạnh.
Kiểu mái này thường dùng cho đền thờ và các gia đình thượng lưu.
– ST –
Trả lời