Ikebana – Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản
Đằng sau vẻ đẹp về mặt hình thức, các loại hoa còn có thể đại diện cho một ý nghĩa nào đó, truyền đạt một trạng thái hay một cảm xúc mà không cần lời nói.
Trong văn hóa Nhật Bản có từ Hanakotoba 花言葉 dùng để chỉ “ngôn ngữ của hoa”, tức bất kỳ một màu sắc, hình dáng, tên gọi nào của mỗi loài hoa đều phản ánh những ý nghĩa riêng. Có lẽ vì tình yêu vô bờ bến đối với vẻ đẹp của hoa lá, thiên nhiên mà người dân đất nước mặt trời mọc đã gìn giữ và phát triển bộ môn cắm hoa lên một tầm cao mới, đó là Ikebana 生け花.
Ikebana là từ được dùng để gọi tên cho nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản, nó cũng có ý nghĩa là “mang lại sự sống cho hoa”. Sự phát triển lên đến đỉnh cao của Ikebana tại Nhật đã góp phần thể hiện tình yêu của người dân đất nước mặt trời mọc đối với thiên nhiên. Nếu bạn yêu thích và mong muốn tìm hiểu văn hóa Nhật Bản, hãy cùng tìm hiểu về lịch sử hình thành cũng như đặc điểm của bộ môn nghệ thuật độc đáo này nhé!
- Lịch sử hình thành Ikebana
Thật ra thì cũng không thể xác định được chính xác Ikebana ra đời khi nào. Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy nguồn gốc của Ikebana bắt nguồn từ phong tục dâng hoa cho Đức Phật trong Phật giáo. Phật giáo được du nhập vào Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ 6 – đây là thời đại Asuka 飛鳥時代, và có thể thời điểm ra đời của Ikebana chính là vào khoảng thời gian này.
Tuy nhiên, Ikebana xuất hiện chính thức trong các tài liệu và tư liệu một cách rõ ràng nhất là từ thời đại Muromachi 室町時代 vào cuối thế kỷ 14 đến giữa thế kỷ 15. Vào thời kỳ này, những văn hóa đặc trưng của Nhật Bản như kiến trúc truyền thống, sân vườn, thơ Renga, kịch nô, tiệc trà,… cũng đã có những bước phát triển đặc biệt. Vào thời Muramachi, các võ sĩ dần thay mặt cho quý tộc xuất hiện trong nhiều lĩnh vực văn hóa và họ quan niệm cắm hoa như một kỹ năng đặc biệt, cách cắm hoa đứng trong bình (còn gọi là Rikka 立花) được sinh ra.
Ikebana đã có những bước phát triển lớn từ thời đại Momoyama 桃山時代 đến đầu thời Edo 江戸時代. Cho đến cuối thế kỷ 19, vào đầu thời kỳ văn minh Minh Trị thì Ikebana đã có dấu hiệu chậm phát triển. Tuy nhiên cùng với phong trào phát triển văn hóa của chính phủ lúc bấy giờ, Ikebana – từ một loại hình nghệ thuật dành riêng cho tầng lớp tăng lữ và võ sĩ, dần được tái thiết cũng như đến gần hơn với nhiều tầng lớp khác trong xã hội, đặc biệt là những người nội trợ. Tính đến nay, tại Nhật Bản lại có tới 3000 trường dạy cắm hoa với khoảng 15 – 20 triệu học viên.
- Ikebana – Khi cắm hoa được nâng tầm lên thành nghệ thuật
Khi một lần đặt chân vào thế giới nghệ thuật Ikebana, bạn sẽ thấy rằng cắm hoa không còn đơn thuần là một thú vui tao nhã hay một cách lắp đầy không gian, một hình thức trang trí nhà cửa nữa. Với tư cách là một hình thức nghệ thuật, Ikebana được chi phối bởi một số trường phái tư tưởng nhất định. Mỗi trường phái Ikebana lại có những quy tắc riêng và các phương pháp được quy định chặt chẽ. Các học viên Ikebana, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, sẽ thực hành sắp xếp những bông hoa thông qua việc học hỏi các phong cách khác nhau.
Ngoài ra, người Nhật quan niệm Ikebana không chỉ đơn thuần là hành động cắm hoa vào bình hay lọ nhỏ, mà còn là một quá trình mang tính tâm linh hay sự giao thoa với vũ trụ, mà ở đó con người đạt được sự cân bằng và củng cố mối quan hệ của họ với tự nhiên.
Người Nhật có câu nói, “Iwanu ga hana 言わぬが花”, nghĩa là “hoa không lên tiếng”, để biểu lộ những đức tính của sự im lặng, hoặc một người không trò chuyện với người khác (khá tương đồng với “im lặng là vàng” của chúng ta). Điều này góp phần truyền tải bản chất của Ikebana – một hoạt động giải trí nhẹ nhàng, sâu lắng, và cũng giúp rèn luyện con người về mặt tinh thần một cách tuyệt vời. Có lẽ chính vì điều đó mà tại Nhật Bản, nghệ thuật Ikebana còn được len lỏi vào nhiều lĩnh vực của đời sống, các chiến binh Samurai 侍 đã được yêu cầu luyện tập Ikebana để tư duy thêm rõ ràng và tăng cường sự tập trung trước mỗi trận chiến.
Trong xã hội Nhật Bản hiện đại, nghệ thuật Ikebana vẫn giữ được chỗ đứng của mình, nhiều người Nhật tìm đến bộ môn này để giải tỏa tâm trí, tìm kiếm sự bình an trong nội tâm. Ikebana có mối quan hệ tương quan với nhiều loại hình nghệ thuật khác như nghệ thuật thư pháp, trà đạo (sado 茶道). Đặc biệt là trong trà đạo, thông thường trước một buổi sado, các vị khách thường dành thời gian chiêm ngưỡng Ikebana được thay đổi hoa theo mùa và theo sự chảy trôi của thời gian.
Nghệ thuật không chỉ là những điều đẹp mà nó còn phải gây xúc cảm. Ikebana cũng vậy, để có thể kể những câu chuyện, diễn đạt một ý niệm hay bộc lộ cảm xúc, đạt đến “vô vi”, cắm như không cắm, sắp xếp như ngẫu nhiên, người cắm hoa phải có sự cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp nội tại của từng loài hoa, vượt qua cái đẹp về hình thức bên ngoài.
Nếu bạn có dịp nhìn ngắm một đôi tay của các nghệ nhân Ikebana khi họ thao tác, bạn sẽ không khó để cảm nhận được sự dịu dàng và an tĩnh trong từng chuyển động cũng như sự trân trọng tuyệt đối của họ với những bông hoa, chiếc lá,… Qua đó có thể thấy, trong thế giới nghệ thuật Ikebana, không có người làm và không có sản phẩm được làm ra, chỉ có “sự nương tựa”.
Chính vì điều này, các chuyên gia Ikebana quan niệm rằng mỗi tác phẩm Ikebana cuối cùng thường sẽ tiết lộ rất nhiều về người đứng sau nó, vì họ đã gửi lại một phần của bản thân vào đó. Vì vậy mà Ikebana cũng chính là một nghệ thuật cắm hoa được nâng tầm thành “Hoa đạo”.
- Những trường phái của nghệ thuật Ikebana
Điểm khác nhau rõ nhất có thể nhận thấy khi so sánh với nghệ thuật cắm hoa của Ikebana và phương Tây đó là: Trong khi các nước phương Tây nhấn mạnh vào yếu tố màu sắc và số lượng của vật liệu, hướng sự chú tâm vào vẻ đẹp riêng của các bông hoa thì nghệ thuật Ikebana Nhật Bản lại thiên về đường nét, cách xếp đặt, bố cục, và xem các yếu tố như cành, cuống, lá cũng như hoa đều quan trọng như nhau – không có yếu tố nào làm nền cho yếu tố nào.
Sự phát triển của Ikebana đã cho ra đời nhiều phong cách cắm hoa khác nhau, trong đó các phong cách được ưa chuộng nhất là Ikenobo 池坊, Ohara 小原 và Sogetsu 草月,… Ngoài ra, hiện nay tại Nhật Bản có hơn 300 trường phái Hoa Đạo đang tồn tại, và lâu đời nhất trong số đó là Ikenobo 池坊, được sáng lập bởi Ikenobo Senkei 池坊専慶 vốn là một tăng lữ.
- Ikenobo池坊
Nhà sư Senkei Ikenobo 池坊専慶 chính là truyền nhân của ông tổ Ikebana, đây là trường phái được xem là “cội rễ của nghệ thuật Ikebana” và có lịch sử lâu đời nhất vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay.
Có 3 hình thức cắm hoa trong trường phái Ikenobo chính là Rikka 立花, Shoka 生花 và Jiyuka 由花. Trong khi Rikka 立花 là phong cách thể hiện vẻ đẹp của tự nhiên luôn có 7 cành thể hiện cho đồi núi, thác nước, thung lũng và những sự vật khác trong tự nhiên thì Shoka 生花 luôn nhấn mạnh đến sức sống, nguồn năng lượng đang phát triển, mỗi tác phẩm cần hội tụ đủ 3 thành phần: Ten 天, Chi 土và Jin 人nghĩa là Trời, Đất và Con người. Jiyuka 由花 là hình thức cắm hoa không bị ràng buộc bởi bất cứ quy tắc truyền thống nào và người thực hiện có thể sử dụng bất kỳ vật liệu nào để tự do sáng tạo theo cá tính của mình.
- Ohara 小原
Đây là trường phái Ikebana được ra đời vào cuối thế kỉ thứ 19 bởi nghệ nhân Unshin Ohara 小原雲心 và được chia thành 2 nhánh lớn là Shaker Moribana 写景盛花- tái hiện lại cảnh quan thiên nhiên trong mâm tròn Suiban 水盤 và Shikisai-moribana 色彩盛花 – tập trung phô bày vẻ đẹp hình dáng và màu sắc của hoa cỏ. Hiện nay, gia chủ đương nhiệm của phong cách Ohara là nghệ nhân Hiroki Ohara 小原宏貴 (kế nhiệm từ năm 1995).
Nói đến thành tựu lớn nhất của trường phái Ohara có lẽ chính là việc đã tạo ra một phong cách cắm hoa “thân thiện” với nhiều người, tức gần gũi và hiện đại hơn. Ngoài ra, ở trường phái Ohara hiện nay đã cho phép nữ giới cũng được giữ chức vụ giảng dạy chính thức về cắm hoa, chức vụ này trước đây chỉ có ở nam giới, có thể nói điều này được xem như một nỗ lực to lớn cho sự phát triển và lan rộng của văn hóa Ikebana.
- Sogetsu 草月
Trường phái Sogetsu được sáng lập bởi Sofu Teshigahara 勅使河原蒼風 vào năm 1927 với ý nghĩa theo đuổi “cái đẹp phóng khoáng vượt ra khỏi mọi khuôn mẫu”. Điểm nổi bật của trường phái Sogetsu không đến từ hình thức mà đề cao sự tự do, ngẫu nhiên.
Trường phái Sogetsu không sử dụng từ “cắm hoa”, mà diễn đạt bằng các chữ như “tạo hình” hoặc “biến đổi” nhằm mang đến sự sống cho hoa. Trường phái này cũng đề cao cá tính của người cắm hoa, không ngừng cải tiến và phát triển những ý tưởng mới, ngay cả cành cây khô, sỏi đá hay kim loại cũng được đem vào sử dụng trong Sogetsu. Có thể nói giá trị đích thực của Sogetsu chính là nghệ thuật Ikebana phá vỡ những kiến thức thông thường, để biểu hiện như một hình mẫu của vẻ đẹp.
Tóm lại, có thể thấy Ikebana là biểu hiện của sự nâng niu, trân quý, hiểu rõ giá trị của thiên nhiên ngay cả trong đời sống hiện đại. Khi sự đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, người dân Nhật Bản vẫn mong muốn giữ gìn và tạo ra một chút không gian thiên nhiên trong cuộc sống của mình.
Càng tìm hiểu về Nhật Bản, chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên và ngưỡng mộ đất nước mà dường như mọi thứ đều được nâng tầm lên thành nghệ thuật. Để có thể tìm hiểu sâu hơn về văn hóa và con người đất nước mặt trời mọc, các bạn hãy tham gia những chương trình tại KaizenYoshidaSchool để trau dồi tiếng Nhật cho mình một cách tốt nhất. Gọi ngay Hotline (028) 62 666 222 để được tư vấn ngay hôm nay bạn nhé!
– ST –
Trả lời