Bộ Y tế Nhật Bản cho rằng người dân nước này đang thiếu ngủ trầm trọng và cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ khó lường cho xã hội.
Theo SCMP , người Nhật Bản gần như không ngủ đủ giấc và tình trạng “khủng hoảng thiếu ngủ” ở nước này có nguy cơ gây ra hậu quả khó lường cho xã hội.
Báo cáo do Bộ Y tế Nhật Bản công bố vào tháng 2 năm nay khuyến nghị người dân nên nghỉ ngơi nhiều hơn để tránh rơi vào tình trạng thiếu ngủ trầm trọng hơn.
Giấc ngủ ngày càng ngắn
Mối lo ngại về thời lượng giấc ngủ của người Nhật Bản một phần xuất phát từ nghiên cứu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thực hiện vào năm 2021, cho thấy người Nhật ngủ trung bình 7 giờ 22 phút mỗi đêm, ít nhất trong số 33 quốc gia tham gia nghiên cứu.
Theo thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản từ năm 2019, trung bình 37,5% nam giới và 40,6% phụ nữ ngủ chưa đến 6 tiếng mỗi đêm.
Một nghiên cứu riêng biệt do Đại học Tokyo thực hiện và công bố vào tháng 3/2024 chỉ ra rằng, học sinh năm cuối tiểu học ngủ trung bình 7,9 giờ mỗi đêm, sau đó giảm còn 7,1 giờ đối với học sinh năm cuối trung học cơ sở và chỉ 6,5 giờ đối với học sinh năm cuối trung học phổ thông.
Những con số này giảm đáng kể so với số giờ ngủ tối thiểu được đề xuất để có sức khỏe tốt. Bộ Y tế Nhật Bản khuyến nghị, mỗi ngày người lớn nên ngủ tối thiểu 6 giờ, trẻ sơ sinh ngủ 11 – 14 giờ, trẻ em tiểu học nên ngủ tối thiểu 12 giờ và học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông 8 – 10 giờ.
Ngoài việc kêu gọi mọi người ngủ nhiều hơn, Bộ Y tế Nhận Bản cũng khuyến nghị 12 “hướng dẫn về giấc ngủ” giúp chất lượng giấc ngủ tốt hơn vì nghỉ ngơi “góp phần ngăn ngừa các bệnh liên quan đến lối sống”.
Tiến sĩ Masashi Yanagisawa, Giám đốc Viện Y học giấc ngủ tích hợp Quốc tế tại Đại học Tsukuba (Nhật Bản), cho biết: “Nhiều người ước rằng có 28 giờ mỗi ngày để họ có thể làm việc nhiều hơn ở công ty, học nhiều hơn ở trường học hoặc đại học, sau đó họ về nhà và hoạt động giải trí riêng, rồi mới dành ra chút thời gian để ngủ”.
Ông Yanagisawa kêu gọi mọi người xem giấc ngủ là tài sản quan trọng. “Mọi người cần dành ra 7 hoặc 8 giờ cho giấc ngủ quan trọng, rồi sau đó mới sắp xếp thời gian cho những thứ khác như công việc, học tập, giải trí”.
Theo ông Yanagisawa, hậu quả của việc không ngủ đủ giấc là giảm sút sức khỏe tinh thần và thể chất dẫn đến làm việc kém hiệu quả ở công ty hay học tập sa sút. Ông bày tỏ rất lo ngại về kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế Nhật Bản.
Trong khi đó, không ít ý kiến cho rằng không phải là mọi người không muốn ngủ đủ giấc mà là áp lực xã hội thường khiến họ khó dành nhiều thời gian thư giãn.
“Suốt nhiều năm, người Nhật Bản được truyền dạy phải học hành chăm chỉ và làm việc siêng năng. C hăm chỉ được coi là một phẩm chất quan trọng, trong khi cuộc sống luôn có áp lực buộc mọi người phải làm nhiều hơn”, ông Yanagisawa nói.
Ông nói thêm: “Áp lực cũng đến từ bên trong của mỗi người, việc làm việc nhiều giờ có liên quan đến lòng tự trọng. Người Nhật Bản sẽ tự phê bình bản thân trong một nền văn hóa coi thái độ tích cực với công việc và chăm chỉ là một đức tính”.
“Về cơ bản, một người đang ngủ bị cho là lười biếng”, tiến sĩ Yanagisawa cho hay và chỉ ra rằng những quan điểm như vậy đã ăn sâu vào tiềm thức ngay từ khi trẻ còn học tiểu học.
Ông nói: “Tôi có thể nói rằng đại đa số học sinh Nhật Bản bị thiếu ngủ vì những quan điểm đó đã trở thành triết lý, thậm chí trở thành tiêu chuẩn cho đến hết cuộc đời của chúng”.
Izumi Tsuji, giáo sư xã hội học tại Đại học Chuo Tokyo, cho biết khi còn là sinh viên, ông chỉ ngủ được “5 hoặc 6 tiếng mỗi đêm” do vừa học bài, vừa nghe radio hoặc xem tivi. Ông cũng chỉ ra rằng với sự phổ biển của mạng xã hội có thể gây xao nhãng giấc ngủ lớn đối với trẻ em ngày nay.
“Học sinh phải chịu áp lực học hành vào ban đêm. Ở thế hệ của tôi, radio luôn bật và khi học xong, tôi lại tự do làm việc mình thích, vì vậy tôi đi ngủ muộn hơn mỗi ngày. Và tất nhiên, ngày hôm sau ở trường tôi luôn buồn ngủ”, ông nói.
Ông Tsuji cho biết thêm rằng mọi thứ không khá hơn khi ông trưởng thành, chứng tỏ việc người Nhật Bản ngủ ít có liên quan đến quan điểm và lối sống từ khi còn nhỏ.
” Tôi muốn ngủ 8 tiếng nhưng chưa bao giờ làm được. Đơn giản là có quá nhiều thứ cần phải hoàn thành, cả về công việc lẫn gia đình, rồi sau đó tôi muốn tận hưởng thời gian của riêng mình. Tôi có thói quen sử dụng nhiều thiết bị khác nhau như máy tính, điện thoại di động… Vì vậy tôi thường chỉ đi ngủ vào khoảng nửa đêm hoặc 1 giờ sáng”, ông Tsuji nói.
Nguy cơ tiềm ẩn
Ông Yanagisawa cho biết: “Có những sự liên quan rõ ràng giữa việc thiếu ngủ và nguy cơ mắc bệnh như trầm cảm cao hơn, hay một số bệnh ung thư, các vấn đề về tim mạch, tổn thương hệ thống miễn dịch và nhiễm trùng”.
Ông nói thêm: “Thiếu ngủ còn có thể dẫn tới hậu quả không thể kiểm soát cảm xúc và tâm trạng, nghĩa là bạn dễ dàng trở nên tức giận, khó chịu, căng thẳng và không thể kiểm soát bản thân”.
Ngoài ra, việc ngủ ít cũng ảnh hưởng đến khả năng làm việc của mọi người. Những nhân viên mệt mỏi sẽ làm việc kém hiệu quả hơn và dễ mắc lỗi hơn, gây ra vấn đề cho các công ty và thua lỗ tài chính.
Các nghiên cứu khác trên trẻ em cho thấy thiếu ngủ có thể dẫn đến vùng hippocampus nhỏ hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn và liên quan đến bệnh Alzheimer trong một số nghiên cứu.
“Không ngủ đủ giấc có thể gây ra tác hại khó lường cho những người trẻ tuổi. Việc chính phủ lo lắng về vấn đề này là hoàn toàn có cơ sở”, ông Yanagisawa nói.
TS Yanagisawa đưa ra lời khuyên: “Điều quan trọng là sự thay đổi cơ bản trong tư duy của mỗi người. M ọi người cần dành ra 8 tiếng mỗi ngày để ngủ như một khoảng thời gian quan trọng không thể đụng đến. Sau đó, họ mới sắp xếp mọi thứ khác như công việc, gia đình, giải trí xung quanh quỹ khoảng thời gian đó”.
Nguồn: SCMP
Trả lời