CNQP&KT – Cuối thế kỷ XX, Nhật Bản, quốc gia được mệnh danh như đất nước “Mặt trời mọc”, là một trong những quốc gia dẫn đầu xu hướng phát triển công nghiệp và có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới. Một trong những “bí quyết” để đạt được thành công đó là Nhật Bản đã tập trung phát triển và làm chủ một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.
BƯỚC PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO CỦA NHẬT BẢN
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và thiên tai, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã đưa đất nước trở thành cường quốc về kinh tế lớn thứ ba thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc) và là nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Năm 2000, Nhật Bản dẫn đầu ngành khoa học robot thế giới và sở hữu hơn một nửa số robot phục vụ công nghiệp sản xuất (402.200 trong tổng số 742.500 robot). Đến năm 2010, Nhật Bản nắm giữ 7 công nghệ then chốt trên tổng số 50 công nghệ lớn của 7 nước công nghiệp phát triển (nhóm G7); chiếm 30% tổng doanh thu sản phẩm công nghệ cao dân dụng; xếp thứ 3 thế giới về xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao với 400 tỷ USD. Năm 2018, thủ đô Tokyo được công nhận là thành phố công nghệ cao số 1 thế giới. Năm 2019, tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Nhật Bản đã giới thiệu nhiều thành tựu khoa học – công nghệ, trong đó có lĩnh vực công nghệ cao với nhiều sản phẩm lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường, như: bàn tay robot, máy bay dân dụng, máy bỏ rác thải không gian…
Có được những thành tựu này là nhờ Nhật Bản đã khai thác hiệu quả nguồn lực của thế giới cũng như phát huy nội lực với những bước đi thích hợp, cụ thể là:
Thứ nhất, điều chỉnh chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp, linh hoạt.
Nhật Bản đã nhanh nhạy nắm bắt các cơ hội do công nghệ cao mang lại sau khi phát triển thành công các ngành công nghiệp nặng như luyện thép và chế tạo xe hơi… Chính phủ cũng đề ra chiến lược và chính sách công nghiệp trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0); hỗ trợ mạnh mẽ cho các công ty chuyển hướng sang phát triển các lĩnh vực công nghệ cao. Năm 2014, Nhật Bản đã làm mới kế hoạch cụm công nghiệp của nước này để phục hồi ngành công nghiệp, tập trung vào những ngành ứng dụng thành tựu Cách mạng 4.0 như công nghiệp sản xuất robot, sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong y học… Quốc gia này đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đầu tư 2,4 nghìn tỷ yên cho ngành công nghiệp thông minh. Với nền tảng sẵn có, Nhật Bản tự tin là một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc Cách mạng 4.0 và hiện đang tập trung nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ gắn liền với cuộc cách mạng này và coi ngành sản xuất robot là trụ cột chính trong chiến lược tăng trưởng kinh tế đất nước.
Thứ hai, ban hành các chính sách bảo hộ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong nước.
Chính phủ Nhật Bản cho phép thành lập hàng loạt công ty sản xuất sản phẩm công nghệ cao và ban hành nhiều chính sách bảo vệ thị trường trong nước, tránh sự cạnh tranh của nước ngoài. Các chính sách bảo hộ này vừa cung cấp tài chính, vừa hỗ trợ mua công nghệ của nước ngoài và duy trì cho đến khi các công ty này đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, thắt chặt kiểm soát doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào công ty công nghệ trong nước. Theo đó, từ tháng 8/2019, nhà đầu tư nước ngoài phải có sự chấp thuận từ Chính phủ Nhật Bản nếu muốn mua cổ phần các công ty trong danh sách 20 lĩnh vực được kiểm soát.
Dưới sự hỗ trợ đắc lực của Chính phủ, các công ty sản xuất sản phẩm công nghệ cao ở Nhật Bản đã nhanh chóng trở thành những tập đoàn sản xuất sản phẩm công nghệ cao hùng mạnh và chiếm thị phần lớn trên thị trường quốc tế, với nhiều phát minh đóng góp cho sự thay đổi của thế giới, như: công nghệ in 3D, chiếc gậy selfie (hỗ trợ tự chụp ảnh) đầu tiên trên thế giới, hệ thống định vị trên ôtô …
Hoạt động sản xuất ở một nhà máy công nghệ cao của Nhật Bản.
Thứ ba, tạo môi trường thuận lợi phát triển khoa học – công nghệ.
Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản là phát huy năng lực nội sinh để tạo ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu, do đó đất nước “Mặt trời mọc” đặc biệt chú trọng đến các hoạt động khoa học – công nghệ. Từ năm 1970, Nhật Bản đã thành lập Thành phố khoa học Tsukuba, nơi thu hút các viện nghiên cứu và đào tạo, khu công nghiệp, hãng sản xuất và cán bộ nghiên cứu. Năm 2001, Nhật Bản thành lập Trung tâm quốc gia về công nghệ cao ở trong thành phố khoa học này và ban hành cơ chế tự quản đối với Trung tâm. Trung tâm có mạng lưới liên kết với các trung tâm khoa học và các trường đại học trong cả nước. Năm 2005, Nhật Bản đã thông qua Luật Cơ bản về khoa học – công nghệ. Năm 2007, sáp nhập Cục Khoa học – Công nghệ vào Bộ Văn hóa giáo dục, thành Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ.
Thứ tư, tăng mức đầu tư nghiên cứu và phát triển theo hướng gắn khoa học – công nghệ với sản xuất.
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới, Nhật Bản tăng cường các dự án đầu tư nghiên cứu và phát triển cho cả khu vực công và tư nhân, ưu tiên những lĩnh vực công nghệ cao mang tính thương mại cao… Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ nhiều dự án nghiên cứu và phát triển, như: Hội đồng Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã chi 17 nghìn tỷ yên cho nghiên cứu và phát triển trong giai đoạn 1995-2000 và trong những năm này, kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tăng từ 2,3% GDP năm 1995 lên 3,1% GDP năm 2000.
Nghiên cứu khoa học ở Nhật Bản phải gắn với sản xuất, tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường. Chẳng hạn, để phát triển ngành điện tử, Nhật Bản chú trọng đầu tư nghiên cứu và phát triển lĩnh vực công nghệ cao vi mạch. Ngành này mỗi năm đem lại cho Nhật Bản khoảng 1 tỷ USD lợi nhuận, cao hơn cả ngành luyện thép truyền thống.
Thứ năm, phát triển công nghiệp công nghệ cao dựa trên sự tương tác, chuyển hóa giữa các yếu tố ngoại lực và nội lực.
Với phương châm “kết hợp kỹ thuật phương Tây với tinh thần Nhật Bản” trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, Chính phủ Nhật Bản tiến hành nhiều biện pháp nhằm khai thác tối đa nguồn lực từ nước ngoài và làm cho công nghệ cao thích ứng với điều kiện trong nước. Nhật Bản áp dụng nhiều hình thức như: nhập khẩu trực tiếp công nghệ; mua bằng phát minh, sáng chế; khuyến khích người Nhật đi du học để tiếp thu tri thức mới của phương Tây; “nhập khẩu” chuyên gia quốc tế giỏi… Đối với nhập khẩu công nghệ cao, Nhật Bản không thụ động tiếp nhận mà sáng chế công nghệ cao dựa trên công nghệ đã nhập, cụ thể là cải tiến công nghệ nhập khẩu phù hợp, tạo ra sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu của Nhật Bản.
BÀI HỌC GÌ CHO VIỆT NAM?
Việt Nam cũng đã bước đầu ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghệ cao, trong đó có công nghiệp công nghệ cao, như: Luật Công nghệ cao được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2008; Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao. Đặc biệt, Quyết định số 347/QĐ-TTg ngày 22/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ đề ra chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao: công nghệ thông tin; sản xuất thiết bị tự động hóa; công nghệ sinh học; vật liệu mới. Tuy vậy, việc phát triển công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam vẫn chưa được như mong đợi. Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản về phát triển công nghiệp CNC, có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam như sau:
Một là, để nâng cao năng lực công nghệ nội sinh, Chính phủ cần sớm phê duyệt và cho triển khai dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao cấp quốc gia. Chính phủ cần đầu tư, hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu và phát triển; kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân trong hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học – công nghệ.
Hai là, lựa chọn các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Từ đó, hình thành các ngành công nghiệp công nghệ cao then chốt, xương sống cho các ngành công nghiệp khác phát triển, trong đó có một số ngành liên quan đến Cách mạng 4.0. Trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng những công ty, tập đoàn mạnh về sản xuất sản phẩm công nghệ cao nói chung, công nghiệp công nghệ cao nói riêng mang thương hiệu của Việt Nam.
Ba là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu các tiến bộ công nghệ. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, trao đổi chuyên gia kỹ thuật trong các ngành nghề, đẩy nhanh quá trình phát triển công nghệ từ lúc phát hiện ý tưởng cho đến khi thương mại hóa công nghệ trên thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cần chú trọng tổ chức các hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học – công nghệ; tích cực mở rộng đối tác, nội dung và hình thức hợp tác mới; xúc tiến dịch vụ hỗ trợ giao lưu quốc tế về khoa học – công nghệ; tìm kiếm bí quyết công nghệ, chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ nước ngoài; phát triển thị trường công nghệ; ươm tạo doanh nghiệp công nghệ…
Bốn là, có cơ chế thu hút nhân tài làm việc trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi để họ cống hiến và phát huy trí tuệ, năng lực; chính sách linh hoạt về xuất nhập cảnh, cư trú; chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao nói riêng, khoa học – công nghệ nói chung.
Công nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực mới ở Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và rút ngắn khoảng cách phát triển với các quốc gia trên thế giới. Kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển công nghiệp công nghệ cao sẽ giúp các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam vận dụng, đưa ra chiến lược và chính sách phù hợp, góp phần đưa Việt Nam tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất mới, tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
– ST –
Trả lời