Cha mẹ người Mỹ luôn cẩn trọng trong mọi hành xử trước mặt con cái – nói phải đi đôi với làm. Không riêng gì ở Mỹ, hầu hết trẻ con trên thế giới hay nhìn những hành động của người lớn mà làm theo. Vì vậy cha mẹ và người lớn ở Mỹ rất chú ý đến cách cư xử chuẩn mực của mình trong giao tiếp.
Họ thường xuyên lặp đi lặp lại những điều tốt trước mặt trẻ và hạn chế tối đa những thói quen xấu khi có sự hiện diện của chúng.
Trẻ em Mỹ rất được người lớn tôn trọng, nhưng đồng thời cũng phải tuân theo kỷ luật. Khi trẻ phạm lỗi như nói dối, vô kỷ luật, bỏ ăn hoặc vô lễ, người lớn sẽ phạt trẻ bằng cách cắt giảm đồ chơi, giờ chơi, cắt tiền tiêu vặt thậm chí trẻ phải làm việc nhà để “chịu phạt” vì lỗi lầm mình đã gây ra.
Trẻ nhỏ thì yêu cầu dọn phòng của chính mình; lớn thì cắt cỏ ngoài vườn, dọn dẹp lại toàn bộ nhà cửa. Sau mỗi lần như vậy, không chỉ giúp trẻ hối lỗi mà còn rèn luyện cho con biết tự làm việc nhà.
Điều cấm kỵ lớn nhất khi phạt trẻ là quát mắng, đánh đòn hoặc đe dọa. Khi trẻ nghĩ mình không được người lớn tôn trọng và chấp nhận, chúng sẽ mang cái tôi rất lớn, có thể dẫn đến thiếu tôn trọng cha mẹ và người lớn tuổi.
Do vậy các bậc cha mẹ Mỹ hiểu rằng, họ sẽ có nhiều lần tức tối, nổi giận và mất bình tĩnh với một đứa trẻ bướng bỉnh, nhưng không được mất kiểm soát tới mức dạy con theo kiểu bạo lực dù là thể xác hay tinh thần, phải luôn tỉnh táo và nghiêm khắc với trẻ con đúng lúc. Trẻ nhỏ luôn hiếu kỳ và hay thắc mắc về môi trường sống xung quanh.
Trách nhiệm của người lớn là giải thích, hướng dẫn chứ không áp đặt và lờ đi hoặc tránh né khi trẻ vặn hỏi.
Bắt đầu đến lớp, học sinh Thụy Điển đã được nhận học bổng hàng tháng
Trẻ em Thụy Điển tới trường từ năm 6 tuổi và phải kết thúc 9 lớp bắt buộc. Sau đó, chúng được chuyển tới học 3 năm tại trường trung học dành cho các lớp trên.
Trong suốt thời gian học, học sinh được nuôi ăn và đảm bảo y tế miễn phí, nhận những trang thiết bị phục vụ học tập như cặp, vở, bút, màu vẽ… Xe buýt của nhà trường sẽ đưa đón học sinh tới trường và về nhà.
Điều thú vị là ngay từ lớp đầu tiên, học sinh đã được nhận học bổng hàng tháng khoảng 750 Krona (gần 90 USD) để tiêu vặt.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam – Giáo sư Phùng Xuân nhạ có chuyến thăm và làm việc tại một số trường học ở Thụy Điển năm 2017 (Ảnh: Sông Hồng). |
Đối với người lớn, Thụy Điển đã thành lập gần 147 trung tâm đào tạo khác nhau với nhiệm vụ cơ bản là hỗ trợ và đào tạo những nghề nghiệp tương thích với các yêu cầu hiện đại như công nghệ thông tin, thiết kế, quản trị, tiếp thị…
Giáo dục đại học không những chỉ miễn phí và phổ cập với tất cả mọi người, mà thậm chí còn khuyến khích về mặt vật chất. Mỗi sinh viên được nhận học bổng hàng tháng khoảng 250 USD.
Một ưu điểm nổi bật nữa của hệ thống giáo dục Thụy Điển – đó là đất nước này có tất cả các điều kiện học tập tốt nhất dành cho trẻ em các chủng tộc khác nhau.
Quốc gia này là nơi sinh sống của gần 1,8 triệu kiều dân từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Chile, Iran, Israel, Nga…
Dành cho đối tượng này có hơn 100 trường học đặc biệt và các trường này có thể giảng dạy bằng 60 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
Khác với phần lớn các quốc gia phương Tây, nền giáo dục phổ thông của Thụy Điển được xếp vào loại công bằng và tất cả mọi người đều có thể tiếp cận: không hề có trường tư hay trường dành cho những thành phần đặc biệt.
Lớp học tại New Zealand có học sinh ở trình độ khác nhau
Tại New Zealand, giờ học thường bắt đầu từ 9h đến 15h (các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tan học vào lúc 15h30), trong đó từ 12h30 đến 13h30 là thời gian nghỉ.
Học sinh phải bắt đầu vào trường tiểu học ngay khi tròn 5 tuổi và được xếp vào lớp entrance (lớp đầu tiên) vài tháng để làm quen về số và chữ qua các câu chuyện tập đọc theo lứa tuổi trước khi được chuyển sang lớp 1 (Year 1).
Ở New Zealand không có sách giáo khoa cho bậc tiểu học
Như vậy, mỗi bạn nhỏ sẽ có một ngày bắt đầu năm học khác nhau (ngay sau khi tròn 5 tuổi) và nhà trường không đón tất cả học sinh lớp 1 cùng một lúc.
Học sinh ở New Zealand tự mang đồ ăn trưa đi học và các em thường ăn ở ngoài trời, không ăn trong lớp. Các em tuỳ chọn nhóm bạn ăn cùng lớp hoặc khác lớp cũng được.
Lớp học New Zealand không kê bàn ghế thẳng hàng theo dãy như truyền thống ở nhiều quốc gia khác.
Ngược lại, chỉ có một góc có bàn đủ cho khoảng 4-5 bạn ngồi quanh cô giáo (hình bán nguyệt) để cô giáo kèm học.
Cùng thời điểm đó, các học sinh còn lại có thể ngồi ở các góc khác nhau để học đọc, học toán… ngồi trên sàn nhà hoặc ghế bean bag.
Trong một lớp học có thể có học sinh ở nhiều trình độ khác nhau. Một em học sinh ở lớp 3 có thể học trình độ toán của lớp 4, nhưng lại chỉ học tiếng Anh ở trình độ lớp 2.
Học sinh chỉ có 1 kỳ thi đánh giá theo chuẩn một năm và không có bài về nhà hàng ngày ngoài việc phải đọc mỗi tối ít nhất là 15 phút. Sau khi đọc xong, học sinh phải đưa bố mẹ ký vào sổ xác nhận là con đã đọc đủ 15 phút tối nay.
Hàng tuần, tuỳ theo lớp, có thể sẽ có một phiếu về kiến thức chung để con và bố mẹ cùng làm ở nhà. Phiếu này làm trong cả tuần, cả nhà cùng tìm hiểu trên mạng để trả lời các câu hỏi về địa lý, xã hội, lịch sử, cuộc sống quanh em.
Theo Thùy Linh
Trả lời