Món mì với tên gọi là Ramen có nguồn gốc Trung Quốc đã trở thành món ăn được ưa chuộng nhất tại Nhật Bản trong nhiều thập niên trở lại đây, và làm dấy lên một cuộc cạnh tranh giữa các cửa hiệu bán Ramen. Nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá ẩm thực tại Nhật Bản. Và các đầu bếp làm mì Ramen cũng ở trong một cuộc cạnh tranh bền bỉ nhằm làm phong phú hơn món ăn này bởi việc thử những nguyên liệu và mùi vị mới.
1. Mì Ramen tại Nhật Bản
Mì Ramen là loại mì luôn đi kèm với nước súp có nguồn gốc ban đầu từ Trung Quốc giờ đây đã trở thành một trong những món ăn phổ biến và ưa chuộng nhất Nhật Bản trong những thập kỷ gần đây. Ramen giá rẻ và dễ dàng được tìm thấy ở mọi nơi, đây cũng chính là hai yếu tố khiến chúng trở nên lý tưởng cho các thực khách du lịch.
Nhiều nhà hàng Ramen hay ramen-ya có thể được tìm thấy hầu như ở khắp đầu đường cuối phố tại Nhật và do đó mì Ramen trở nên có vô số biến thể, đa dạng và vô cùng phong phú.
Theo thống kê Nhật Bản, có hơn 35,000 cửa hàng mì Ramen trong khắp cả nước (theo số liệu 2013), trung bình khoảng 28 cửa hàng trên 100.000 người. Tỉ lệ cửa hàng mì Ramen trên bình quân đầu người cao nhất là Yamagata Prefecture với 71 cửa hàng trên 100.000 người, tiếp đó là Tochigi, Niigata, Akita, và Kagoshima Prefectures. Nhưng có thể có nhiều cửa hàng hơn ngoài số liệu này, vì những con số này chỉ bao gồm những người được liệt kê trong danh bạ điện thoại.
Tại Nhật Bản, người ta không bao giờ phải đi xa để tìm cửa hàng mì Ramen, đặc biệt trong các thành phố lớn, và cũng sẽ không phải chờ lâu khi gọi tô mỳ với giá cả phù hợp. Ramen được xem như là một kiểu đồ ăn nhanh mà có thể dùng cho cả bữa trưa hoặc bất cứ khi nào cảm thấy đói bụng.
Nhưng cũng có một số lượng lớn những người đặc biệt yêu thích món mì này, họ ăn những bát mì của mình rất cẩn thận, nghiêm túc (đây là văn hoá Nhật, thể hiện sự tôn trọng đồ ăn). Và may mắn cho họ cuộc cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực chế biến mì Ramen đã tạo ra nhiều mùi vị khác biệt, làm cho họ thích thú hơn.
2. Lịch sử Ramen Nhật Bản
Người Nhật Bản đầu tiên ăn Ramen được cho là Tokugawa Mitsukuni (1628-1701), chúa công thứ hai của vùng Mito (nay là quận Ibaraki). Theo phỏng đoán này, một Khổng gia bị đi đày từ thời Minh, Trung Hoa tên là Zhu Zhiyu (1600-1682) đã trở thành người thầy của Tokugawa và đã giới thiệu cho anh ấy các món mì của người Trung Quốc, nguyên mẫu của Ramen hôm nay.
Các tài liệu lưu trữ chỉ ra rằng mì được làm bằng hỗn hợp của lúa mì và bột sen, ăn cùng với canh. Một phiên bản thể hiện món ăn nguyên gốc này được bán ở Ibaraki dưới cái tên “Ramen vùng Mito”.
Tuy nhiên, những món mì Trung Quốc này chưa trở nên thu hút ngay, cho mãi đến thời Minh Trị (1868-1912), món mì này mới thuyết phục được các thực khách người Nhật. Tại cửa hàng người Trung Quốc trong khu phố người Hoa tại Yokohama hay bất cứ đâu, các món mì và súp đã được bổ sung thêm thịt lợn om (xá xíu), măng (menma) và nửa quả trứng luộc. Do những căn nguyên như vậy mà Ramen thường được biết đến như mì Soba của người Trung Quốc tại Nhật Bản.
Sau thế chiến thứ 2, khi những người lính phục viên từ Trung Quốc trở về họ bắt đầu bán Ramen ở khắp nơi trên cả nước, Ramen đã trở thành một món ăn ưa thích, cạnh tranh với các món ăn nổi tiếng khác của người Nhật. Ở thời điểm hỗn độn sau chiến tranh, khi đồ ăn trở nên khan hiếm, Ramen được xem như một món ăn rẻ tiền và ngon được bán ở các cửa tiệm đường phố. Những gian hàng khiêm tốn này đã sớm phát triển thành những cửa hàng ở bất cứ nơi đâu khắp Nhật Bản.
Sự gia tăng nhanh chóng của các cửa hàng đã tạo ra một cuộc cạnh tranh mạnh, dẫn đến việc sáng tạo ra nhiều loại Ramen mới, bao gồm cả các biến thể cao cấp như cua hay tôm hùm có giá khoảng 10.000 yên (khoảng $100) một tô. Ngược lại, các chuỗi bán lẻ Ramen thông thường chỉ khoảng 300 yên một tô hoặc ít hơn (khoảng $3). Mặc dù tô mì thường được bán đắt, nhưng riêng món mì Ramen về cơ bản là một loại đồ ăn rẻ, ngon, nhanh chóng, và hầu hết các đầu bếp đều cố gắng tạo ra sự đa dạng tối đa trong những điệu kiện đó.
Bảo tàng về chủ đề đồ ăn Shin-Yokohama Raumen là một khu phố đi bộ ngắn từ ga Yokohama (cách phát âm Raumen thể hiện sự phát âm thay thế của món mì). Bên trong bảo tàng nơi được mở vào năm 1994, là sự phục dựng lại kiểu đường phố đặc trưng ở Nhật Bản khoảng cuối thập niên 50, đầu thập niên 60.
Bên cạnh các quán cafe, các cửa hàng bán các loại đồ ăn nhanh truyền thống, khách du lịch có thể thưởng thức những loại mì Ramen được bán bởi các cửa hàng nổi tiếng từ khắp Nhật Bản. Theo nhân viên Bảo tàng, khoảng 3000 tô mì Ramen được tiêu thụ tại các cửa hàng trong các ngày trong tuần, và 6.500 tô mì được tiêu thụ vào cuối tuần hay các kỳ nghỉ. Từ khi mở cửa đến nay, bảo tàng đã đón hơn 22 triệu lượt khách, khoảng 10.185 lượt một ngày.
Ramen không chỉ được truyền bá đến Mỹ và Châu Âu, mà còn quay lại Trung Quốc trong kiểu mới của mì Nhật Bản. Thông tin từ bảo tàng cho biết tính đến tháng 2/2013, đã có khoảng hơn 1000 cửa hàng bên ngoài Nhật Bản, chủ yếu ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Chỉ tính riêng New York, đã có khoảng 50 đến 60 cửa hàng mì Ramen.
Một dự án liên quan đến mì Ramen và cũng là một phần của chương trình thúc tiến có tên Cool Japan của Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản. Công ty Chikaranomoto, nơi sở hữu chuỗi cung cấp Ramen chủ yếu Hakata Ippudo đã giành được quyền thực hiện dự án này.
Đây là dự án có mục tiêu thúc đẩy để mở nhiều hơn các cửa hàng Ramen ở Paris và các địa điểm khác ở Châu Âu. Theo cách này, METI (Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp) hy vọng sẽ thu hút được nhiều khách du lịch nước ngoài đến Nhật bản và đóng góp cho nền kinh tế nước này.
Khi ramen ngày cành phổ biến, ông Momofuku Ando của hãng thực phẩm Nissin Food nảy ra ý tưởng sản xuất ramen đóng hộp, và mì ăn liền đã ra đời vào năm 1958 sau khi ông dành hàng tháng trời phát minh và thử nghiệm ra phương pháp chiên mì khô. Nhưng mì ăn liển chả thể nào ngon bằng ramen nấu tay (dù mì ăn liền của Nhật hấp dẫn hơn mì ăn liền của các nước “không phải Nhật”; tuy nhiên đồ “chính hiệu Nhật” lúc nào cũng đắt hơn và ít xuất khẩu hơn).
3. Một số loại mì Ramen nổi tiếng của Nhật Bản
Ở Nhật tràn ngập đủ kiểu ramen, nhưng nhìn chung có thể chia ra 4 loại chính, mỗi loại hầm nước dùng theo mỗi cách khác nhau.
a) Shio Ramen – Ramen muối
Ramen hầm nước xương (gà, một số tiệm thì dùng heo) có nhiều muối, là loại ramen cổ nhất, và giống với mì Tàu nhất. Nước dùng shio ramen có màu vàng trong, vị hài hòa không quá Tàu cũng không đến nỗi Nhật, nhưng ăn xong sẽ hơi… khát nước, bởi vậy thực khách phải chuẩn bị gọi nước mát đầy đủ để phòng khát.
Ít khi thấy ramen muối ở nước ngoài, vì hiện nay ai nghe thấy muối cũng sợ tăng huyết áp, với lại cụm từ “ramen muối” nghe chẳng hấp dẫn lắm,tuy nhiên nó lại ít dễ tăng cân hơn các loại ramen hầm nước béo khác.
b) Soyu Ramen – Ramen nước tương
Ramen nước tương không lâu đời bằng ramen muối, nhưng cũng là một loại ramen “có bề dày truyền thống” ở Nhật. Nước dùng có màu nâu bóng của nước tương, nhưng không đục ngầu. Đây là một loại ramen dễ “xuất khẩu”, nó không mặn, có cái tên nghe hấp dẫn, và nguyên vật liệu dễ tìm, dễ nhập.
Nước hầm của ramen này hơi… hỗn tạp, có thịt heo, xương heo, xương gà, hột số nơi còn dùng nước hầm củ và nước chắt từ cá khô bào.
c) Tonkotsu Ramen – Ramen hần nước xương heo
Loại ramen này có rất nhiều người thích ăn, vì nó béo, ngọt vị xương. Đầu bếp sẽ dùng xương heo, đặc biệt là xương ở các phần khớp, xương có dính nhiều gân; họ hầm xương ở nhiệt độ rất cao trong nhiều giờ liền, đến khi nước có màu trắng ngà đục, đặc đặc của mỡ và collagen. Vùng đảo Kyushu đặc biệt nổi tiếng là có tonkotsu ramen tuyệt nhất.
Tonkotsu ramen tuy hơi béo nhưng rất ngon, ai cũng thích; ở Phương Tây có nhiều tiệm tonkotsu ramen vì xương bên đó… rẻ vô cùng.
d) Miso Ramen – Ramen nấu với bột miso
Đây là loại ramen “trẻ” nhất, ra đời từ những năm 1960s ở Hokkaido. Nước hầm là pha giữa nước của tonkotsu với bột miso (dùng để nấu canh miso Nhật), vô cùng khó xuất khẩu vì Nhật hầu như không xuất bột miso xịn ra khỏi quốc gia. Phần lớn miso ramen ở nước ngoài có màu vàng, vì đầu bếp pha nước dùng với miso vàng hoặc nâu; nhưng miso ramen chính cống Nhật phải dùng hỗn hợp miso trắng trộn với miso vàng. Nước của miso ramen phải có màu trắng giống tonkotsu, nhưng mịn hơn.
Thành phố Sapporo ở Hokkaido nổi tiếng có mì miso cực ngon, nhiều người khi du lịch đến hokkaido chỉ biết đi tìm hải sản, mà quên đi loại mì miso này. Nhìn chung mì miso chỉ có ở Nhật là ngon nhất, các nước khác đã thua từ phần nguyên liệu nên không thể nào bằng.
– ST –
Trả lời