Tokyo nỗ lực hồi sinh nhà tắm công cộng

Các nhà tắm công cộng ở Tokyo đang cải tạo, thay đổi phương thức hoạt động nhằm thu hút khách hàng trẻ.

Biển hiệu của Inariyu, nhà tắm công cộng truyền thống tại Takinogawa, Tokyo, ngày 6/7.

Trước giờ mở cửa vào buổi chiểu, những cư dân cao niên thường tập trung bên ngoài Inayuri, một trong số ít nhà tắm truyền thống còn hoạt động ở Tokyo, mang theo vải kỳ, xà phòng và dầu gội để đi tắm. Inariyu mang đặc trưng của các nhà tắm công cộng ở Nhật Bản (sento): cửa vào bằng gỗ, có bồn ngâm chung, tranh tường hình núi Phú Sĩ.

Nhân viên đi ngang qua lối vào nhà tắm Kanamachi ngày 30/7.

Sento một thời phổ biến ở các khu vực đô thị đông đúc nhưng nay đang biến mất nhanh chóng bởi ngày càng nhiều người thích tắm ở nhà, còn chủ nhà tắm chật vật đối phó với hệ thống máy móc lạc hậu, giá khí đốt tăng cao và thiếu người nối nghiệp, buộc họ phải bán đi mảnh đất có giá trị. Số lượng sento khắp Nhật Bản giảm từ mức đỉnh gần 18.000 cuối những năm 1960 xuống còn 1.800.

Sam Holden (ngoài cùng bên phải) cùng hai người bạn là Ryuzo Tsuisui (trái) và Shingo Umehar trong nhà tắm Inariyu.

Một số nhà tắm như Inariyu đang hồi sinh nhờ cải tạo, một số khác đang quảng bá để trở thành nơi tụ tập hợp trào lưu mới, hay sử dụng dữ liệu phân tích để thúc đẩy kinh doanh.

Một trong số những người đang cố gắng hồi sinh nhà tắm công cộng là Yasuko Okuno, 36 tuổi. Cô phát hiện đây là nơi thư giãn lý tưởng sau khi làm việc muộn.

“Ngày qua ngày, đầu óc tôi cực kỳ mệt mỏi. Ngay cả khi về nhà, tôi cũng không thể quên công việc”, Okuno, hiện là thành viên Hiệp hội Sento Tokyo, cho biết. “Lần đầu tới sento, tôi cảm giác như trút được gánh nặng. Ở đó có bồn tắm lớn, có nhân viên chào hỏi ân cần. Dần dà tôi bắt đầu có cảm giác như ở nhà”.

Holden, Tsuisui và Umehar vừa ngâm người vừa trò chuyện trong bể tắm.

Khách hàng phải trả 500 yen (3,7 USD) cho một lần tắm theo quy định của chính quyền thành phố. Họ cất giày dep vào ngăn tủ có khóa, cởi quần áo trong phòng thay đồ trước khi vào bồn ngâm thư giãn. Nước trong sento thường được đun nóng bằng khí đốt.

Nhật Bản không áp đặt hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt, ngay cả vào thời kỳ dịch hoành hành mạnh. Những nơi như phòng tập thể dục hay sento vẫn mở cửa dù nhiều văn phòng chuyển sang làm việc tại nhà, còn nhà hàng rút ngắn giờ mở cửa.

Shunji Tsuchimoto, chủ sở hữu Inariyu, giới thiệu hệ thống vận hành nhà tắm.

Không có quy định khách hàng phải đeo khẩu trang ở sento. Nhà tắm công cộng chỉ khuyến khích giãn cách và giữ yên lặng. Đối với nhiều người cao tuổi, tới sento là thói quen thường nhật mà họ không muốn từ bỏ trong thời kỳ đại dịch. Một số cảm thấy an toàn hơn khi tắm cùng người khác vì có người trông chừng nếu họ bị ngã, Yasuko nói.

Khu vực sấy tóc, bán đồ uống bên ngoài khu tắm của sento Inariyu.

Sam Holden, người lập ra tổ chức Sento và Khu phố, đã sử dụng 200.000 USD từ Quỹ Di tích Thế giới để cải tạo Inariyu. Anh cho hay đóng cửa sento có thể ảnh hưởng xấu tới quan hệ cộng đồng. Nhóm cố gắng duy trì không khí ấm cúng, thân thiện của nhà tắm xây dựng từ năm 1930 ở khu vực trũng phía bắc Tokyo, nơi nhà cửa san sát, chỉ cách nhau bằng ngõ hẹp.

Nhiệt kế hiển thị nhiệt độ nước trên tường một bồn tắm ở nhà tắm Kom-pal.

Khách hàng đến Inariyu đủ mọi lứa tuổi, trong đó “có nhiều người cao niên sống một mình và dễ bị tách biệt với xã hội”, Holden, 32 tuổi, người Mỹ sống ở Tokyo gần 10 năm, nói.

“Tôi và đồng nghiệp đều có cảm giác cần phải bảo tồn lập tức những công trình kiến trúc lịch sử này trước khi chúng bị biến thành các khu chung cư hay tòa nhà hiện đại”, anh bày tỏ.

Một người bước ra từ khu vực tắm dành cho khách nam trong nhà tắm Koganeyu ngày 13/8, bên trái là lối vào dành cho khách nữ.

Shunji Tsuchimoto, người điều hành Inariyu cùng vợ, cho hay chi phí năng lượng tăng thêm 50% so với năm ngoái. Nhưng ông hy vọng thu hút được khách hàng trẻ và tăng doanh thu nhờ tổ chức sự kiện trong các tòa nhà được cải tạo.

“Tôi muốn họ hiểu hơn về văn hóa sento”, ông nói.

Khách hàng ở lối ra vào nhà tắm Koganeyu ở phường Simida, Tokyo, ngày 13/8. Họ có thể uống bia thủ công và thư giãn sau khi tắm ở khu vực này.

Koganeyu, nhà tắm ở phía đông Tokyo, mở cửa lại năm 2020 sau khi cải tạo hoàn toàn. Sento này đang thu hút khách hàng trẻ thành công. Vào một ngày thứ bảy của tháng 8, nhà tắm chật kín khách tới thư giãn, uống bia và nghe đĩa hát.

Kohei Ueda, 25 tuổi, nhân viên công nghệ, đã dành một tiếng xông hơi cùng bạn. “Trước đây tôi cứ nghĩ sento chỉ là nơi người cao tuổi tụ tập”, anh nói. “Nhưng sento thế này hợp thời, hiện đại hơn. Tôi cảm thấy thoải mái hơn khi tới đây”.

Nhân viên rót bia cho khách ở Koganeyu.

Fumitaka Kadoya, chủ sento Kom-pal, tìm cách thu hút thêm khách hàng bằng cách sử dụng kỹ năng thu thập dữ liệu từng học được khi còn làm kỹ thuật viên cho nhà máy sản xuất thiết bị quang học Olympus.

Gia đình Kadoya điều hành Kom-pal từ những năm 1950. Ba năm trước, khi anh tiếp quản, Kadoya đã lập cơ sở dữ liệu theo dõi thông tin khách hàng và thời gian họ tới tắm.

Dữ liệu cho phép anh đưa ra các chính sách kinh doanh hướng vào đối tượng cụ thể, như thuê nhân viên nữ để khuyến khích khách hàng nữ và mở cửa cả sáng chủ nhật để tránh tình trạng quá tải.

“Sento luôn là một phần trong văn hóa Nhật Bản”, Kadoya nói. “Ngày nay, tống tất cả mọi thứ vào ngăn tủ rồi đi tắm có thể là một kiểu ‘giải độc kỹ thuật số'”.

“Đó chính xác là thứ mà tôi nghĩ giới trẻ ngày nay cần”, anh bày tỏ.

– ST –

Click ➡ Học tiếng Nhật online