Văn hóa hẹn hò độc đáo của Nhật Bản! Chia sẻ của một nhà văn nữ Nhật Bản ở độ tuổi đôi mươi

Cho dù là ẩm thực hay phong tục, tập quán, Nhật Bản đều nổi tiếng với những nét đặc trưng giàu bản sắc văn hóa. Bài viết này sẽ tóm tắt những nét đặc trưng trong văn hóa hẹn hò của Nhật Bản thông qua góc nhìn của một người phụ nữ Nhật ở độ tuổi đôi mươi. Dĩ nhiên, những chi tiết trong bài viết này dựa trên quan điểm cá nhân của người viết, nhưng bạn vẫn có thể tham khảo nó nếu muốn biết người Nhật hẹn hò như thế nào.

Trước tiên, một lời thổ lộ là cần thiết

PIXTA

Trong hầu hết các trường hợp, một mối quan hệ sẽ được bắt đầu từ việc “Thổ lộ”. Đó là khi một người nói với người kia cảm xúc của mình và đề nghị hẹn hò. Nếu được chấp nhận đây sẽ là cột mốc đánh dầu bắt đầu mối quan hệ “bạn trai, bạn gái” nghiêm túc.

Khác với các cặp đôi Nhật Bản thay vì chờ đợi sự xác nhận tình cảm từ “người ấy” của mình, các cặp đôi phương Tây thường có những buổi đi chơi với nhau và dần dần tạo ra một suy nghĩ chung rằng mình đang hẹn hò. Vì thế có thể nói rằng một số người ở phương Tây có thể nghĩ rằng mình đang có cơ hội gặp một nửa của mình nếu có ai đó đồng ý đi uống cà phê với họ?!

Ở Nhật Bản, mọi người thường hẹn đi ăn trưa hay uống trà với bạn bè. Đó là lý do tại sao ở Nhật Bản, nếu bạn không chính thức công khai tình cảm và nhận ra tình cảm của hai bên, bạn có thể sẽ không biết được mối quan hệ cặp đôi đã thực sự bắt đầu hay chưa.

Các cặp đôi thường chia sẻ hóa đơn

PIXTA

Điều này có sự khác biệt giữa các thế hệ, các vùng miền, và tất nhiên là giữa các cá nhân, nhưng có một xu hướng trong giới trẻ hiện nay là các cặp đôi chia hóa đơn trong buổi hẹn hò khi mối quan hệ của họ đang tiến triển. Đây không phải là do người Nhật chi ly, mà chỉ đơn giản vì họ nghĩ rằng việc chia mọi thứ công bằng sẽ tạo sẽ một mối quan hệ bình đẳng hơn.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người đàn ông muốn được thanh toán hóa đơn cho những dịp đặc biệt như Giáng sinh, sinh nhật hay những ngày kỷ niệm giữa hai người.

Hẹn hò vào cuối tuần thay vì ngày thường

PIXTA

Ở Việt Nam hay phương Tây, hẹn hò vào ngày thường là một việc khá phổ biến. Hai người sẽ gặp gỡ nhau, cùng đi ăn trưa hoặc uống cà phê, hoặc có thể đi dạo cùng nhau. Tất nhiên người Nhật cũng làm những việc đó khi hẹn hò nhưng thay vì hẹn hò vào ngày thường họ thường dành thời gian cuối tuần để bên nhau hơn. Lý do đơn giản là người Nhật khá coi trọng công việc (đặc biệt là đàn ông), vào những ngày thường trong tuần họ khá bận rộn, đi làm về muộn, hoặc có thể sau khi làm xong sẽ đi nhậu với đồng nghiệp nên thường không có thời gian dành cho người yêu. Thay vào đó họ sẽ dành cả một ngày cuối tuần coi như để bù đắp cho đối phương. Các cặp đôi thích các hoạt động ngoài trời có thể cùng nhau đi công viên, đi mua sắm hay đi ngắm pháo hoa, còn với những người không thích ra ngoài có thể ở nhà cùng nhau chơi game, nấu ăn và dọn dẹp. Họ sẽ dành thậm chí là cả một ngày để bên nhau. Có lẽ họ làm vậy để bù đắp cho khoảng thời gian giữa tuần không được gặp nhau!

Hiếm khi thể hiện tình cảm ở chốn đông người

PIXTA

Điều này không khác với Việt Nam và có lẽ là điểm chung của các cặp đôi châu Á khi yêu. Các cặp đôi người Nhật thường có thể nắm tay nhưng sẽ không hôn nhau ở chốn công cộng.

Từ góc nhìn của nhà văn này, dường như có hai lý do giải thích cho điều này. Thứ nhất người Nhật thường coi trọng sự riêng tư và tránh việc thể hiện tình cảm ở nơi công cộng, đây cũng là cách để họ bảo vệ những mối quan hệ cá nhân của bản thân. Lý do thứ hai là nếu bạn làm vậy bạn có thể bị coi là thiếu ý thức đạo đức ở nơi công cộng và có thể khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu. Đó là lý do tại sao những cặp đôi Nhật Bản thường tránh thể hiện tình cảm chốn đông người.

Không có thói quen thể hiện tình yêu bằng lời

PIXTA

Cũng giống như Việt Nam, người Nhật thường khá nhút nhát và ít khi thể hiện trực tiếp tình cảm của mình bằng lời nói theo kiểu “Anh yêu em” một cách thoải mái như người phương Tây. Tuy nhiên, nếu so sánh về mức độ với Việt Nam, thì người Nhật còn rụt rè và ít biểu cảm hơn rất nhiều. Họ thường tự nhủ rằng đối phương có thể cảm nhận rõ tình cảm của họ mà không cần phải nói ra bằng lời.

Nếu ở Việt Nam sẽ rất khó để hai bên duy trì mối quan hệ thân mật lâu dài nếu như đối phương không “thỉnh thoảng” thể hiện điều gì đó bằng ngôn ngữ với bạn, nhưng với người Nhật thì điều đó là hoàn toàn bình thường và các cặp đôi sẽ không cãi nhau vì chúng. Cho đến bây giờ, việc “hiểu cả những điều không nói ra” cũng chính là một trong những nét văn hóa cư xử độc đáo của người Nhật.

Các cặp đôi thường thích những cuộc hẹn tại nhà

PIXTA

Như phần trên có đề cập, có rất nhiều người Nhật thích dùng ngày nghỉ để thư giãn và làm những việc nhẹ nhàng ở nhà. Đó là lý do nhiều cặp đôi thích ở nhà xem phim DVD hay chơi điện tử cùng nhau. Họ nghĩ rằng thời gian riêng bên nhau là vô cùng quan trọng.

Valentine là ngày để nữ giới bày tỏ tình cảm với nam giới

PIXTA

Ở phương Tây cũng như ở Việt Nam, Valentine thường là dịp mà phụ nữ chờ đợi một lời mời đi chơi hoặc một món quà từ người đàn ông của mình. Tuy nhiên ở Nhật Bản, đây lại là dịp để nữ giới bày tỏ tình cảm bằng cách tặng quà hoặc socola cho người mà họ có tình cảm. Đó là ngày khiến trái tim nam giới Nhật Bản đập nhanh hơn một chút vì hồi hộp và xúc động.

Một tháng sau, vào ngày 14/3, Nhật Bản có ngày “White Day”, là ngày mà những người đàn ông sẽ đáp lễ lại phụ nữ bằng quà hoặc socola.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phụ nữ thường tặng sô cô la cho tất cả mọi người xung quanh mình. Họ có thể làm bạn bè ngạc nhiên bằng cách tặng họ tomo-choco (“sô cô la tình bạn”) hoặc mang một món quà giri-choco (“sô cô la nghĩa lý”) đến văn phòng tặng cho cấp trên của mình.

Một nửa số cặp đôi sống cùng nhau trước khi kết hôn

PIXTA

Chuyện các cặp đôi ở Nhật chuyển đến sống cùng nhau khi yêu dường như không phải là việc gì quá nghiêm trọng và bị phản đối nhiều như ở Việt Nam. Càng ngày tỉ lệ các cặp đôi sống chung với nhau càng gia tăng. Và người Nhật nghĩ rằng nếu không sống chung họ không thể hiểu được hết đối phương và khi đó khó có thể tiến tới hôn nhân.

Người Nhật Bản thường có xu hướng kết hôn có ý thức

PIXTA

Phụ nữ Nhật Bản thường có ý thức mạnh mẽ về việc kết hôn từ sau tuổi 25. Sau khi mọi người tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm, người Nhật có xu hướng tìm kiếm một mối quan hệ nghiêm túc và có khả năng đi đến hôn nhân. Một phần của suy nghĩ này có thể là do họ thấy thật phí thời gian hẹn hò với một người mà không phải là đối tượng để kết hôn. Việc lựa chọn đối phương đẻ bắt đầu một mối quan hệ theo cách này là một nét độc đáo của phụ nữ Nhật Bản.

Gặp mặt phụ huynh là dấu hiệu để đi đến hôn nhân

PIXTA

Ở Nhật Bản, nhiều người thường bí mật không nói cho cha mẹ mình biết họ đang hẹn hò với ai. Điều này không phải vì họ không muốn giới thiệu đối phương với cha mẹ của mình mà là vì trong suy nghĩ của người Nhật, nếu bạn giới thiệu người yêu cho cha mẹ thì điều đó có nghĩa là bạn đang hẹn hò nghiêm túc và có ý định tiến tới hôn nhân. Tất nhiên, điều này không áp dụng với tất cả mọi người. Một vài người có mối quan hệ thân thiện và cởi mở hơn với cha mẹ của mình có thể thường xuyên tâm sự chuyện tình cảm với mẹ, nhưng lại giữ bí mật với người cha nếu ông là người nghiêm khắc.

Phần bổ sung: Các cách để gặp gỡ mọi người

Những bữa tiệc “Konkatsu”

PIXTA

Konkastu (婚活) là cách gọi vắn tắt của cụm từ Kekkonkatsudo (結婚活動) trong tiếng Nhật có nghĩa là hoạt động tìm kiếm đối tượng kết hôn, và đang trở thành một hoạt động phổ biến trong tầng lớp thanh niên Nhật Bản những năm gần đây. Mọi người sẽ đến tham gia những bữa tiệc, ăn uống và trò chuyện với người khác giới để tìm kiếm một người đặc biệt để hẹn hò hoặc kết hôn.

Có hai mặt tích cực của việc đến những bữa tiệc konkastu khiến chúng trở nên phổ biến. Thứ nhất là bạn có thể gặp gỡ nhiều người đang tìm kiếm bạn đời ở cùng một nơi. Một điểm tiện ích khác không giống như các ứng dụng hẹn hò là bạn có thể nói chuyện trực tiếp với mọi người. Và cũng vì bữa tiệc do công ty tổ chức nên nó đem lại cảm giác an toàn hơn, bạn sẽ không phải lo bị một ai đó lợi dụng hoặc lừa đảo.

Có rất nhiều dạng tiệc konkatsu. Bạn có thể lựa chọn tham gia những bữa tiệc khác nhau tùy vào ngành nghề, thu nhập và độ tuổi của bản thân. Mọi người có thể thấy hơi ngạc nhiên khi nghe nói về loại sự kiện kiểu thế này nhưng đó là một cách rất hữu hiệu để những người bận rộn có thể tìm kiếm cơ hội hẹn hò hoặc kết hôn.

Những buổi tiệc “Goukon”

PIXTA

Goukon là một buổi tiệc được tổ chức cho một nhóm những người đàn ông và phụ nữ độc thân muốn gặp gỡ giao lưu với nhau. Nó giống như một buổi tiệc thông thường ở phương Tây. Những bữa tiệc này thường bình dân hơn những bữa tiệc konkastu và thường được tổ chức giữa một nhóm bạn bè.

Gặp gỡ một ai đó mới thông qua bạn bè chung thường an toàn và dễ dàng hơn rất nhiều, và cách này giúp mọi người dễ dàng tìm gặp được những người có cùng trình độ học vấn. Rất nhiều cặp đôi ở Nhật Bản đã gặp đỡ đối phương của mình ở một bữa tiệc goukon.

Trang web và ứng dụng hẹn hò

PIXTA

Tinder – một ứng dụng bắt nguồn từ Mỹ, là ứng dụng hẹn hò khá nổi tiếng hiện nay. Ứng dụng này đã xuất hiện khá lâu và được nhiều người Mỹ tin tưởng sử dụng. Tuy nhiên, nó mới chỉ nổi lên trong một vài năm gần đây ở Nhật. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người Nhật e ngại sử dụng chúng vì lo sợ chất lượng ghép đôi phù hợp thấp, bị lừa đảo hoặc bị rò rỉ thông tin cá nhân.

Các ng dng hn hò

・Tinder (Được sử dụng rộng rãi ở Mỹ, Châu Âu và Brazil)

・Match.com (Mạng hẹn hò lớn nhất thế giới với số lượng người dùng có mặt trên khắp thế giới)

・Pairs (Có nhiều người dùng là người Nhật Bản và Đài Loan)

・Omiai

・With

Bạn nghĩ thế nào về việc hẹn hò ở Nhật Bản? Từ việc thổ lộ tình cảm của mình đến việc thanh toán khi hẹn hò. Tuy nhiên, không có cái nào là công thức chung cả vì mỗi người đều khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với “người ấy” và cố gắng làm những gì tốt nhất để cả hai có thể duy trì một mối quan hệ lâu dài.

– ST –

Click ➡ Học tiếng Nhật online