Mỗi một quốc gia đều sử dụng một loại tiền tệ dành riêng cho mình, ngoài sự phản ánh về giá trị thương mại và kinh tế, tiền tệ còn là biểu tượng của lịch sử và văn hóa phát triển của mỗi đất nước. Nhật Bản, một cường quốc về kinh tế đứng thứ ba thế giới, đồng thời cũng là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử và nền văn hóa đặc sắc cũng không phải là một ngoại lệ. Chúng ta ai cũng biết đồng Yên Nhật là đồng tiền chính thức của Nhật Bản, nhưng liệu bạn đã khám phá ra những điều thú vị đằng sau chúng chưa? Trong bài viết hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về những đặc trưng về đồng Yên Nhật nhé.
- Nguồn gốc đồng Yên
Yên – ký hiệu là ¥, có mã quốc tế là JPY, là đơn vị tiền tệ chính thức duy nhất tại Nhật Bản. Theo âm Hán – Việt, Yên được gọi là Viên, có nghĩa là tròn. Đồng Yên được chính phủ Meiji phát hành vào năm 1871 nhằm ổn định thị trường Nhật Bản lúc bấy giờ. Từ thời Tokugawa, đồng Yên đã trở thành dòng tiền chính thức và thay thế hoàn toàn hệ thống tiền tệ của “đất nước mặt trời mọc”.
- Mệnh giá đồng Yên hiện tại
Hiện tại, Nhật Bản vẫn duy trì hai dòng tiền là tiền xu và tiền giấy. Trong hệ thống lưu thông tiền tệ, Nhật Bản cho phép sử dụng 6 mệnh giá tiền xu, bao gồm 1 Yên, 5 Yên, 10 Yên, 50 Yên , 100 Yên và 500 Yên. Trong khi đó thì tiền giấy chỉ được sử dụng với 4 mệnh giá là 1000 Yên, 2000 Yên, 5000 Yên và 10000 Yên. Chúng ta hãy cùng khám phá sâu hơn về đặc điểm của từng loại và những câu chuyện thú vị đằng sau chúng nhé.
- Đồng xu
©photo-ac.com
Đồng 1 Yên:
Theo tỷ giá quy đổi hiện nay, 1 Yên tương đương với 200 VNĐ, và cũng là đồng tiền có giá trị nhỏ nhất tại Nhật. Vì mức giá khá nhỏ nên đồng 1 Yên thường chỉ được sử dụng làm tiền lẻ để trả lại khi đi siêu thị, hoặc dùng như đồng tiền may mắn khi đi chùa. Thậm chí với 1 Yên, bạn cũng không thể sử dụng để mua hàng tại các máy bán hàng tự động. Đồng xu được thiết kế với đường kính là 20mm, trọng lượng chỉ 1g và được làm hoàn toàn bằng nhôm, chính vì vậy, chúng có thể nổi được trên mặt nước. Có một điều thú vị là đồng tiền này còn có giá trị thấp hơn cả giá thành làm ra nó – ước tính chi phí sản xuất của chúng vào khoảng 2 – 3 yên.
Đồng 1 Yên ©photo-ac.com
Đồng 5 Yên:
Đây là đồng tiền duy nhất chỉ được in chữ mà không có số. Đồng xu được thiết kế với đường kính khoảng 22mm, với trọng lượng là 3.75g, mặt trước có in hình bông lúa nước, chính giữa là một lỗ tròn nhỏ với bán kính 5mm. Chính vì hoa văn trên đồng 5 Yên mà người ta coi đây là biểu tượng cho ngành nông nghiệp và công nghiệp của xứ sở Phù Tang. Bên cạnh đó, cách phát âm đồng 5 Yên rất giống cách đọc của từ “Duyên”, vì vậy đây được coi là đồng xu may mắn của người dân Nhật Bản. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những đồng 5 Yên trong các ngôi đền, chùa, nơi linh thiêng với ý nghĩa thiết lập mối liên hệ với các vị thần và mong muốn gặp điều may mắn trong mọi lĩnh vực của đời sống. Đây cũng chính là một món quà vô cùng ý nghĩa dành tặng người thân với sự cầu chúc về tiền tài, vận mệnh, sự may mắn, thể hiện sự chân trọng của người tặng.
Đồng 10 Yên:
Đồng xu được đúc với đường kính 23.5mm, trọng lượng là 4.5g và được đúc với chất liệu chính là đồng. Một mặt của đồng 10 Yên được thiết kế in nổi hình ngôi chùa Byodoin – một trong những ngôi chùa Phật Giáo lâu đời tại Kyoto và đã được bình chọn là di sản thế giới. Du khách có thể dùng đồng 10 Yên phổ biến tại các máy bán hàng tự động.
Đồng 10 Yên ©photo-ac.com
Đồng 50 Yên:
Được thiết kế khá giống với đồng 5 Yên với một lỗ tròn nhỏ ở chính giữa có bán kính 4mm và trọng lượng là 4g, chỉ khác là họa tiết trang trí của đồng xu là những bông hoa cúc được chạm khắc tinh tế. Hoa cúc vốn được xem là quốc hoa của Nhật Bản bởi nó là biểu tượng của hoàng tộc và loài hoa này cũng được xuất hiện trên quốc huy của “xứ sở hoa anh đào”.
Đồng 100 Yên:
Đây là đồng tiền có niên đại lưu hành lâu đời nhất trong số các loại tiền xu của Nhật Bản từ khi phát hành và bắt đầu được sử dụng từ năm 1957. Trong phiên bản gốc, mặt sau của đồng 100 Yên có in hình chim phượng hoàng tượng trưng cho sự tái sinh và sức sống mãnh liệt của người dân Nhật Bản. Ngày nay, mặt sau của đồng xu được chạm khắc những bông hoa anh đào – một biểu tượng của xứ sở mặt trời mọc. Theo tỷ lệ quy đổi những năm gần đây, 100 Yên tương ứng với 20 nghìn VNĐ, vì vậy, du khách hoàn toàn có thể sử dụng đồng xu một cách dễ dàng cho các hoạt động mua sắm của mình đấy.
Đồng 500 Yên:
Cuối cùng, đồng xu có mệnh giá lớn nhất và kích thước cũng lớn hơn những đồng xu khác với đường kính 26.5mm, trọng lượng lên tới 7g, đó chính là đồng 500 Yên. Đây cũng chính là đồng xu có mệnh giá cao nhất thế giới, theo tỷ lệ quy đổi, một đồng 500 Yên tương đương với hơn 100 nghìn VNĐ. Cũng chính vì giá trị cao mà đồng xu được sử dụng rất rộng rãi trong cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân Nhật Bản. Chỉ với 500 Yên, du khách có thể thưởng thức một suất cơm thịt bò gyudon dùng kèm với súp miso và salad, mua sắm đồ tại các siêu thị hoặc thậm chí là trải nghiệm bồn tắm công cộng ở Nhật Bản.
- Tiền giấy
Tờ 1000 Yên:
Tờ 1000 Yên là một trong những loại tiền được sử dụng phổ biến nhất tại Nhật Bản. Mặt trước của đồng 1000 Yên in hình của ông Noguchi Hideyo, một bác sĩ nổi tiếng và là nhà nghiên cứu vi khuẩn học, ông cũng là người phát minh ra loại vắc-xin quan trọng giúp phòng ngừa các loại virus nhiệt đới. Mặt sau của tờ tiền chính là một biểu tượng của Nhật Bản – ngọn núi Phú Sĩ và hoa anh đào.
Đây là mệnh giá được sử dụng rất phổ biến tại các máy bán hàng tự động, máy bán vé trên khắp đất nước “mặt trời mọc”. Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức một bữa trưa “chất lượng” với giá 1000 yên, khi đi xem phim ở rạp, mua đồ lưu niệm, hay thậm chí trong UNIQLO bạn cũng có thể mua áo thun với giá 1000 yên.
Tờ 1000 Yên ©photo-ac.com
Tờ 2000 Yên:
Đây có lẽ là loại tiền “hiếm gặp” nhất khi bạn tới thăm Nhật Bản bởi lẽ dù được phát hành từ những năm 2000 nhưng do mức độ lưu thông không nhiều nên tới năm 2003, đồng tiền này đã được ngừng phát hành. Mặt trước của tờ tiền in hình cánh cổng lâu đài Shurei – nơi từng là một địa điểm quan trọng của vương quốc Ryukyu trên đảo Okinawa. Còn mặt sau là hình ảnh của Genji Monogatari, vốn được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới. Tuy vậy, do thiết kế hết sức đẹp mắt và tinh tế nên du khách thường sưu tập và đổi lấy đồng tiền này làm quà kỷ niệm cho chuyến hành trình ghé thăm xứ sở Phù Tang của mình.
Tờ 2000 Yên ©photo-ac.com
Tờ 5000 Yên:
Nhân vật được xuất hiện trên đồng 5000 Yên là một người rất đặc biệt bởi đó không phải là một chính trị gia hay một nhân vật quyền lực nào cả. Người đó chính là Higuchi Ichiyo, một nhà tiểu thuyết, bình luận gia và là nhà nghiên cứu văn học Anh thời Minh Trị. Bà xuất hiện trên tờ 5000 Yên vào năm 2004 vì những đóng góp của bà cho nền văn học Nhật Bản cũng như là người truyền cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ Nhật Bản khác phấn đấu và vượt qua giới hạn bản thân. Mặt sau của tờ tiền là cánh cổng “Kakitsubata Flowers”
Tờ 5000 Yên ©photo-ac.com
Tờ 10000 Yên:
Đây là đồng tiền có mệnh giá lớn nhất, tương đương với khoảng 2 triệu VNĐ (2019). Nhân vật quan trọng xuất hiện trên tờ tiền “đắt giá” này chính là Fukuzawa Yukichi – một nhà triết học nổi tiếng của Nhật Bản, đồng thời cũng là người sáng lập trường đại học Keio. Còn mặt sau là hình ảnh chim Phượng hoàng ở ngôi chùa Byodoin. Với mệnh giá này thì bạn sẽ “an tâm” khi di chuyển, mua sắm và “thỏa sức” tận hưởng các món ăn nổi tiếng trong những nhà hàng, cửa tiệm có tiếng ở nơi đây nhé. Thậm chí, nếu bạn “săn” được các hãng hàng không giá rẻ, bạn có thể bay tới Hokkaido hay Okinawa chỉ với 10.000 Yên thôi đó.
Tờ 10000 Yên ©photo-ac.com
3.Biến động tỷ giá Yên Nhật qua các năm
Sau năm 1873, tỷ giá đồng Yên giảm mạnh so với đồng đô la, nguyên nhân là do giá bạc giảm và các nước chuyển sang chế độ bản vị vàng. Chế độ bản vị vàng là một hệ thống tiền tệ trong đó tiền của một quốc gia có giá trị được liên kết trực tiếp với vàng. Trong chế độ bản vị vàng, các quốc gia đã đồng ý chuyển đổi tiền giấy thành một lượng vàng cố định. Một quốc gia sử dụng bản vị vàng đặt giá cố định cho vàng và mua bán vàng ở mức giá đó. Tuy nhiên, Nhật Bản lại không chọn cho mình hướng đi này nên vào năm 1897, tỷ giá Yên Nhật so với đô la Mỹ là 1 Yên = 0.5 $. Tới lúc này thì Nhật mới chấp nhận chế độ bản vị vàng và từ đó hình thành tỷ giá Yên cho tới ngày nay. Có thể thấy, khoảng những năm 1995 – 2012 là giai đoạn mà tỷ giá Yên cao nhất khi 1USD đổi được 70 – 80 Yên. Trong giai đoạn hiện nay, chỉ số kinh tế của Nhật Bản vẫn giữ được hướng tích cực, vì vậy, tỷ giá Yên Nhật trong giai đoạn này vẫn giữ ở mức ổn định.
4.Những sự thật thú vị về Yên Nhật mà có thể bạn chưa biết
(1) Từ năm 1971, đồng Yên đã tăng giá trị so với đô la Mỹ là 400%.
(2) Đồng 0,1 Yên được phát hành vào năm 1947 với hình ảnh của chú chim bồ câu.
(3) Đồng xu 500 Yên là đồng tiền có mệnh giá lớn nhất thế giới và hiện có giá trị xấp xỉ 6 đô la Mỹ.
(4) Nền kinh tế Nhật Bản đã phát triển trong những năm 1980 đến mức nó gần như lớn bằng Hoa Kỳ.
(5) Việc làm giả đồng xu 5 Yên và 50 Yên rất khó vì chúng có lỗ tròn hở ở giữa.
(6) Tiền Nhật Bản không hiển thị năm đã đúc hay năm phát hành, thay vào đó là khắc niên đại của các triều đại Hoàng đế
(7) Vào năm 1945, chính phủ Hoa Kỳ đã phát tờ rơi tuyên truyền về Nhật Bản được thiết kế giống như tờ 10 Yên để tạo ra nỗi sợ hãi đối với lạm phát.
(8) Cách gọi các mệnh giá tiền của người Nhật: 1.000 Yên = 1 Sen, 10.000 Yên = 1 Man, 10 sen = 1 Man
(9) Cứ 20 năm một lần, ngân hàng Nhật Bản lại phát hành tiền giấy để tránh nạn làm giả
Tổng kết: Vậy là chúng ta đã khám phá hết các bí ẩn và đặc điểm của đồng Yên Nhật qua từng mệnh giá cũng như là từng thời kỳ. Thông qua việc tìm hiểu hệ thống tiền tệ của một quốc gia, chúng ta không chỉ thấy được bức tranh toàn cảnh trên lĩnh vực kinh tế, thương mại mà ta còn nhận thấy cả chiều sâu văn hóa, truyền thống của từng đất nước. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp và giúp ích cho bạn về các thông tin cơ bản của đồng Yên Nhật vốn rất quen thuộc. Chúc bạn có một chuyến hành trình khám phá đất nước “Mặt trời mọc” thật trọn vẹn nhé.
– ST –
Trả lời